Để chơi Cờ Toán Việt Nam trực tuyến, bạn phải có một tài khoản trên trang web. Click vào nút đăng ký bên dưới để tạo một tài khoản.
Đăng ký Cờ Toán Việt Nam online

Các trận đấu đang diễn ra:

Cờ Toán Việt Nam: Khát vọng chinh phục thế giới

Tuổi thơ, chiếc xe đạp và Cờ Toán

Ông Vũ Văn Bảy

Nhắc lại chuyện tuổi thơ, ông Bẩy cười có phần ngượng nghịu. Ông kể: “Năm 12 tuổi khi vẫn mê mải với những trò chơi khăng, đánh đáo, đánh cờ thì tôi… lấy vợ. Nào đã biết gì đâu về chuyện vợ chồng. Vì ông bố hứa “nếu cưới vợ thì cho cái xe đạp”, thích quá, háo hức quá nên đồng ý thôi”. Khi 19 tuổi, ông trở lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Ông đã phải lăn lộn, làm đủ những công việc nặng nhọc nhất để nuôi 3 đứa con. Thế rồi, cứ mỗi lần nhìn các con lao vào những trò chơi vô bổ như mình ngày nhỏ, ông càng nung nấu suy nghĩ về một trò chơi hữu ích nào đó. Thế rồi những thế cờ Toán mang máng xuất hiện trong đầu ông. Ông bảo, nếu đem “chiếu” theo một lăng kính nào đó thì mọi chuyện trên đời này sẽ đơn giản, bớt nặng nề đi rất nhiều. Vốn thạo chơi cờ tướng, cờ trận, ông nghĩ nếu tất cả các phép tính dù đơn giản hay phức tạp đều được đem ra chơi với nhau thì Toán học sẽ không còn đáng sợ với con trẻ nữa. Lối tư duy ấy, cũng là cách để ông vượt qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời mình.

Lúc đầu, trò chơi cờ Toán của ông chỉ là những phép tính đơn giản dành cho trẻ con, lâu dần có đủ cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ông cũng không biết mình đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thiện trò chơi này. Cứ khi nào nghĩ được một thế cờ, ông lại mày mò cả đêm để thực hành. Ngay bộ quân cờ cũng phải đổi đến lần thứ 3, ông mới ưng ý. Lúc đầu quân cờ được đánh số, nhưng vì số 9 để ngược lại giống với số 6 và ngược lại nên ông chuyển sang sử dụng chữ số La Mã. Thấy cũng không ổn, ông chuyển sang lối dân dã, sử dụng các dấu chấm để biểu trưng cho giá trị của quân cờ. Các sốlẻ thì có chấm ở giữa. Thoạt đầu nhìn cũng hơi rối mắt nhưng chơi vài lần cũng quen. Đến những năm 80 của thế kỷ 20, trò chơi cờ do ông phát minh đã khá hoàn thiện. Ông đặt tên là Cờ Toán Việt Nam.

Hành trình lận đận…

Năm 1982, khi Cờ Toán Việt Nam đã được khá nhiều người biết đến và ưa thích, ông mang đến Uỷ ban khoa học tỉnh Hà Bắc nhờ thẩm định để phổ biến rộng rãi. Ông được giới thiệu lên Uỷ ban khoa học Nhà nước. Tại đây, bộ cờ của ông được giữ lại nghiên cứu. Dù nhận thấy trò chơi rất hay, thú vị nhưng Uỷ ban khoa học Nhà nước cũng không cấp bằng sáng chế cho ông. Đã thế, nhiều người còn nghi ngờ ông học mót ở đâu đó nên cứ hỏi đi hỏi lại rằng “nhà bác có những ai ở nước ngoài?” hay “bác đã đi nước ngoài bao nhiêu lần?”… Theo lập luận của ông các thế cờ chiến lược của Cờ Vua là luỹ thừa 16, Cờ Tướng là luỹ thừa 32 thì Cờ Toán là luỹ thừa của 187 (hiện đã rút xuống luỹ thừa của 87). Không một máy tính nào lúc đó có thể tính được luỹ thừa của 187 nên không ít người cho rằng ông bị… hoang tưởng! Sau đó, vì coi đây là trò chơi nên Cờ Toán của ông được giới thiệu sang bên khoa học xã hội và nhân văn. Thật vui và cũng buồn là nhiều người ở đây đem Cờ Toán ra chơi với nhau rất say mê, quên phéng chuyện cấp “giấy khai sinh” cho đứa con tinh thần của ông.

Không được cấp sáng chế, ông định tìm cách gửi ra nước ngoài để phổ biến. Tuy nhiên khi mang đến cơ quan xuất nhập cảnh, người làm thủ tục bảo: “Nếu chứng minh được đúng như lời bác thì bác sẽ bị tội làm mất bí mật quốc gia đấy”. Hoảng quá ông lại ôm cờ về.

Thế rồi qua rất nhiều thủ tục và hơn 20 năm lận đận, ngày 18-5-2005 Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp giấy chứng nhận bản quyền số 712 cho Cờ Toán của ông. Thật khó diễn tả hết sự sung sướng, hạnh phúc khi ông nhận được tờ “giấy khai sinh” ấy.

Triết lý và khát vọng

Ông Bảy hướng dẫn phóng viên ANTĐ chơi Cờ Toán

Ông Vũ Văn Bẩy cho biết, Việt Nam đã có những truyền thuyết về “Trạng cờ”, và Cờ Toán là sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá, thể thao của dân tộc. Đây là trò chơi trí tuệ nhưng cũng dễ chơi. Từ em nhỏ mới biết cộng trừ đến các giáo sư toán học đều có thể chơi Cờ Toán phù hợp với trình độ của mình. Bất kỳ ai đã biết luật chơi cũng khó dời xa được sức hút của Cờ Toán. Người mới học có thể chỉ chơi cộng, trừ, người khá hơn có thể chơi cả cộng, trừ, nhân, chia. “Cao thủ” hơn có thể chơi theo phép tính mũ, tính thập phân… hay chơi theo hoá trị trên bảng tuần hoàn Menđêlêép… Theo ông Bẩy thì tính cao siêu vô cùng tận, tính dân dã, bác học của Cờ Toán là vậy. Cờ Toán cũng kích thích tư duy tính toán, suy luận nên thực sự là một phương tiện cho học sinh, sinh viên “học mà chơi, chơi mà học” đầy hiệu quả.

Ông Bẩy rất tâm đắc với mục tiêu của Cờ Toán Việt Nam là “thân thiện – trí tuệ và sáng tạo”. Ông bảo rằng, ẩn sau mấy chữ này là một triết lí nhân sinh thật cao cả. Bởi lẽ ở đời cộng và nhân là tất yếu, người ta vơ vào cho mình là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, ở đời cũng phải biết trừ đi của mình, biết chia cho người khác. Vì thế, trong các phép tính để tấn công hay phòng thủ của Cờ Toán, có lúc cộng hay nhân là hay, nhưng có khi phải trừ hay chia mới hiệu quả. Cuộc đời ai chẳng có lúc buồn – vui, nhận – cho, rủi ro – may mắn. Vì thế, chơi Cờ Toán, hiểu được triết lý nhân sinh ấy, sẽ thấy cuộc đời dễ chấp nhận hơn, có ý nghĩa hơn.

Theo ông Vũ Văn Bẩy, thật mừng là từ đầu xuân này, một giải đấu Cờ Toán Việt Nam sẽ được tổ chức thường nên ngay tại… nhà ông. Đó là sự khởi đầu, về lâu dài ông mong muốn Cờ Toán được phổ biến trong tất cả các trường học để giúp các em thích học toán và học có hiệu quả hơn. Với triết lí cuộc đời và cũng vì “Toán học thì ở nước nào chả giống nhau” nên khát vọng của ông là Cờ Toán Việt Nam sẽ chinh phục người chơi trên toàn thế giới.

 

The An Ninh Thủ Đô

Execution time: 0.006s | DB queries: 4 | tai game mien phi